PGS. TS. Trần Thị Minh Đức định nghĩa “tham vấn là một quá trình tương tác giữa nhà tham vấn – người có chuyên môn và kỹ năng tham vấn, có các phẩm chất đạo đức của nghề tham vấn – với thân chủ (còn được gọi là khách hàng) – người đang có vấn đề khó khăn về tâm lý cần được giúp đỡ. Thông qua sự trao đổi, chia sẻ thân mật, tâm tình (dựa trên những nguyên tắc đạo đức và mối quan hệ mang tính nghề nghiệp), thân chủ hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tự tìm lấy tiềm năng bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình”.
Tham vấn Hướng nghiệp là một mối quan hệ, một quá trình nhằm giúp đỡ thân chủ giải quyết được vấn đề trong định hướng nghiệp bằng cách khai thác, nhận thức và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của thân chủ. Hay nói cách khác, Tham vấn Hướng nghiệp được diễn ra như một quá trình ở đó người tham vấn giúp thân chủ của mình tìm ra ngành nghề phù hợp hay giải quyết vấn đề liên quan đến hướng nghiệp mà thân chủ đang gặp. Thân chủ là người quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Ở Việt Nam, từ “tham vấn” còn khá mới mẻ và mang tính chuyên môn, nên nghiệp vụ Tham vấn Hướng nghiệp thường được gọi là Tư vấn Hướng nghiệp. Người làm nghề Tư vấn Hướng nghiệp thường được gọi là Chuyên gia Tư vấn Hướng nghiệp, Nhà Tư vấn, Tư vấn viên Hướng nghiệp hoặc Chuyên viên Tư vấn Hướng nghiệp tùy vào bằng cấp, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của mỗi người.
Dưới đây là một số “Nguyên tắc Đạo đức Nghề nghiệp” của người làm nghề Tư vấn Hướng nghiệp và gọi chung là Nhà Tư vấn như sau:
Đầu tiên là nguyên tắc tôn trọng con người. Nhà Tư vấn cần thấu hiểu và đánh giá đúng phẩm chất của thân chủ, tôn trọng suy nghĩ, thái độ, hành vi của thân chủ. Mỗi người đều có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình mà Nhà Tư vấn không áp đặt quan điểm, sự đánh giá hay các quyết định. Theo nguyên tắc này, Nhà Tư vấn phải để thân chủ tự mình ra quyết định lựa chọn, và tự đánh giá được những kết quả có thể có do quyết định đó mang lại, từ đó tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Thứ hai là nguyên tắc bảo mật. Nhà Tư vấn cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc bảo mật đối với thân chủ của mình.
Thứ ba là nguyên tắc không hại thân chủ. Nhà Tư vấn không trách cứ thân chủ khi họ có tâm trạng tuyệt vọng, hoặc chê bai những quyết định chưa chín chắn khiến thân chủ trở nên tự ti, mặc cảm.
Thứ tư là nguyên tắc hiệu quả. Để giúp đỡ người khác hữu hiệu, Nhà Tư vấn phải giải quyết được các vấn đề của bản thân trong lĩnh vực hướng nghiệp, phải phát triển được khả năng soi chiếu cuộc sống và các mối quan hệ của bản thân.
Thứ năm là nguyên tắc quản lý cảm xúc. Nhà Tư vấn biết cách quản lý cảm xúc của bản thân đối với thân chủ và giúp thân chủ quan sát, hiểu rõ cảm xúc bản thân nếu xuất hiện cảm xúc mạnh mẽ yêu hay ghét bỏ của họ dành cho Nhà Tư vấn.
Vì vậy, việc trị liệu tâm lý cho Nhà Tư vấn là một điều cần thiết. Nhà tư vấn đã được trị liệu về tâm lý, sống trong Nhận Biết, Bình An, Yêu Thương sẽ hỗ trợ và giúp đỡ thân chủ của mình rất nhiều để việc tư vấn trở nên hiệu quả.
Mục tiêu của Hướng nghiệp cũng chính là giúp thân chủ của mình bình an với quyết định của họ. Vì vậy năng lượng, cảm xúc, mức độ trưởng thành của Nhà Tư vấn ảnh hưởng khá rõ đến thân chủ.